Từ vụ Tổng giám đốc sàn bất động sản UDIC bị bắt vì ăn chặn tiền bán nhà: Một cách lý giải đối tượng “buôn nước bọt” lĩnh vực nhà đất giàu bất thường


Sự kiện Tổng giám đốc sàn giao dịch bất động sản (BĐS) UDIC (trụ sở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây phải tra tay vào còng vì cáo buộc tham nhũng trong lĩnh vực BĐS khiến câu hỏi "Vì sao một số đối tượng buôn bán BĐS giàu bất thường" đã có một trong những câu trả lời: Giàu vì ăn tiền chênh lệch, ăn chặn.



Ăn chặn 30 tỉ đồng từ 1 dự án
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Hà Nội cho biết, sáng 3/6, tại sàn giao dịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý bất động sản UDIC (gọi tắt là sàn UDIC), công an đã bắt quả tang 3 cán bộ, nhân viên công ty này đang nhận số tiền chênh lệch lớn trong vụ mua bán nhà liền kề do UDIC làm chủ đầu tư.
Công an đã thu giữ tại chỗ gần 4, 4 tỉ đồng tiền tang vật. Ba người liên quan trong vụ bắt giữ này là Nguyễn Trần Linh (Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý BĐS UDIC), Đặng Quang Huy (nhân viên sàn giao dịch) và Nguyễn Thị Nhàn (thủ quỹ công ty).
Thông tin ban đầu từ CQĐT cho biết, cuối tháng 5/2011, anh Nguyễn Văn L (trú tại Phủ Lý, Hà Nam) được một "cò" giới thiệu mua căn hộ K26 diện tích 86, 1m2 thuộc khu nhà Yên Hòa, Cầu Giấy do UDIC làm chủ đầu tư. Sau khi đến sàn UDIC, anh L gặp Linh, Huy và được "ra giá" như sau: Giá gốc ghi trong hợp đồng là 135 triệu đồng /m2 nhưng giá bán thực tế phải là 187 triệu đồng /m2, vênh nhau đến 52 triệu đồng /m2.
Sau nhiều lần mặc cả, Linh giảm giá xuống 186 triệu đồng /m2. Sáng 3/6, anh L mang gần 4, 4 tỷ đồng đến nộp cho Linh và Huy. Lúc này, Nhàn là thủ quỹ công ty tiến hành kiểm đếm. Sau khi nhận đủ tiền, Linh đưa cho anh L giấy nhận đặt cọc mua nhà 500 triệu đồng mà anh L đã nộp từ hôm 1/6 và phiếu ghi căn hộ K26 có đóng dấu của UDIC. Ngay lúc này, lực lượng nghiệp vụ ập vào bắt quả tang.
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, ngày 6/6, Công an Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trương Chiến Bình, Tổng giám đốc sàn UDIC (38 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này bị tình nghi là nhân vật chính đứng sau chỉ đạo "bộ sậu" của mình thu tiền ngoài hợp đồng bán nhà của khách hàng.

Đối tượng bị cáo buộc tham nhũng trong lĩnh vực BĐS


Một lãnh đạo Phòng PC46 Công an TP Hà Nội cho biết, đây là vụ án tham nhũng đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được phát hiện tại Hà Nội. Mở rộng điều tra, cơ quan công an bước đầu xác định, tại sàn giao dịch bất động sản UDIC đã tiến hành giao dịch thành công 7/12 căn hộ liền kề thấp tầng tại dự án khu K, thu về số tiền vênh gần 30 tỷ đồng.
Buôn... nước bọt
Theo luật sư Phan Hải Đăng (VP Luật sư Hồng Lĩnh, Mỹ Đình, Hà Nội), luật quy định rõ sàn giao dịch BĐS không được tham gia đầu tư, kinh doanh nhà ở, không được mua nhà ở của chủ đầu tư để bán lại cho người khác mà chỉ được tổ chức bán, cho thuê theo uỷ quyền của doanh nghiệp có nhà ở và thực hiện kinh doanh các dịch vụ bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Sàn giao dịch BĐS chỉ được tổ chức bán nhà ở trên cơ sở hợp đồng, văn bản uỷ quyền đã ký với doanh nghiệp có nhà ở.
"Hiểu một cách nôm na, sàn giao dịch BĐS chỉ là nơi ký gửi, môi giới và lợi nhuận chính là thu từ "hoa hồng", phí môi giới chuyển nhượng BĐS chứ không không phải là một bên tham gia nhận chuyển nhượng hay chuyển nhượng BĐS trong quá trình giao dịch chuyển nhượng BĐS", ông Đăng nói.
Với việc sàn UDIC vốn là doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (hay hiểu cách khác là công ty mẹ - công ty con) ông Đăng đặt câu hỏi: "Có hay không việc móc ngoặc giữa hai doanh nghiệp này trong việc đưa ra mức giá thiếu thực tế? Có hay không sự thỏa thuận ngầm giữa hai doanh nghiệp này về việc công ty mẹ dìm giá gốc thật thấp rồi đẩy độc quyền cho công ty con bán vênh với giá "trên trời" nhằm trốn thuế khoản tiền vênh khổng lồ kia? ".
Cũng theo luật sư Đăng, việc làm của các lãnh đạo sàn UDIC có dấu hiệu của tội hình sự được quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự (Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi). Theo đó, những người này đã lợi dụng uy tín của mình để ép người mua phải đóng thêm 52 triệu đồng tiền chênh trên mỗi m2.
Rõ ràng những BĐS trên không phải là tài sản của sàn UDIC nhưng ông Tổng giám đốc lại lợi dụng uy tín để bán với giá cao hơn rất nhiều qua đó ăn tiền vênh. Với số tiền hàng tỉ đồng không có hóa đơn trên, chắc chắn lại chảy vào túi các bên liên quan và Nhà nước bị thất thu nặng nề - ông Đăng nói.
   
Theo Thành Đông
Pháp luật và đời sống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét